Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồng xiêm
Hồng xiêm (sapoche) không chỉ giàu vitamin A, các khoáng chất và tannin… tốt cho sức khỏe mà nó còn hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa, cung cấp năng lượng cho cơ thể, giúp khỏe xương, ngừa ung thư…
1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và giống
Dụng cụ trồng
Bạn có thể tận dụng bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng cây hồng xiêm. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.
Để trồng cây trong chậu, bạn nên chọn loại chậu cây hoặc thùng nhựa với kích thước tối thiểu là rội 30cm, cao 35m. Chậu càng to thì cây sẽ càng dễ phát triển.
Đất trồng
Cây hồng xiêm có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, hồng xiêm sẽ phát triển tốt và cho nhiều trái nếu được trồng trên đất thịt nhẹ, thoát nước tốt, giàu dinh dưỡng.
Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 7 – 10 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.
Giống
Cây hồng xiêm có thể trồng bằng hạt hoặc chiết cành. Người trồng thường chọn phương pháp chiết cành bởi tuổi thọ cây bền và nhanh cho trái. Để tiết kiệm thời gian và công sức, bạn nên tìm mua cây giống hồng xiêm cao sản ở các cửa hàng bán cây giống.
Khi bắt đầu chiết cành, bạn nên chọn những cây cho năng suất cao, quả ngọt và chọn cành không quá già, đường kính 1,5 – 3cm
2. Trồng cây
Chiết cành:
Dùng dao sắc khoanh bỏ vỏ thân cành một đoạn 3 – 5cm, cạo sạch lớp vỏ đến tận gỗ, phơi từ 3 – 7 ngày. Sau khi phơi xong, bọc bầu chiết lại.
Trước khi bọc bầu nên dùng các chất kích thích sinh trưởng NAA hay IBA pha sẵn quét lên thành mép khoanh vỏ để tăng cường khả năng ra rễ cho cành chiết. Bầu chiết dùng phân chuồng hoai mục trộn với đất bùn ao phơi khô giã nhỏ, tỷ lệ mỗi loại vật liệu là 50%, một bầu từ 150 – 300g, sau đó cuốn theo hình quả trám, đường kính từ 6 – 8cm, dài 10 – 12cm, dùng túi nilon buộc kín 2 đầu và tưới nước ẩm.
Quan sát bầu chiết theo ngày, khi nào thấy rễ cành chiết dày đặc có màu nâu vàng thì dùng cưa sắc cắt xuống, bóc bỏ lớp vỏ nilon rồi dùng rơm bện bùn ao quấn thay thế vào bầu chiết rồi phủ cát lên trên.
Đặt bầu chiết vào nơi râm mát có giàn che và tưới ẩm, giữ thêm khoảng hơn 1 tháng cho bộ rễ phát triển hoàn chỉnh và đủ độ già mới đem đi trồng thì tỷ lệ sống sẽ rất cao.
Cây giống mua về hoặc bầu chiết trước khi trồng phải xé bỏ bao nilon, đặt cây con vào hố, nén đất chặt, dùng 3 cây cọc để cố định cây con, chú ý che nắng cho cây Trồng xong cần tưới ẩm cho cây khoảng 2 tuần đầu để cây bén rễ hồi xanh.
3. Chăm sóc
Thời gian đầu mới trồng, thường xuyên tưới nước cho cây. Sau đó, có thể tưới 1 tuần 2 – 3 lần.
Thông thường cây hồng xiêm cho 5 – 6 đợt trái/năm, vì vậy bạn cần bổ sung sau mỗi đợt thu hoạch trái 30 ngày là thích hợp nhất. Bạn cũng có thể bón thêm phân vào đầu, giữa và cuối mùa mưa. Phân bón có thể là phân hữu cơ hoặc NPK đều được.
Thường xuyên làm cỏ cho cây. Mỗi năm vun xới từ 2 – 3 lần.
4. Thu hoạch
Ở miền Bắc hồng xiêm sau khi thụ phấn tới khi quả chín khoảng 8 – 10 tháng, trong khi đó ở miền Nam chỉ cần 4 – 6 tháng. Tiêu chuẩn xác định độ già để thu hái là: Cuống quả nhỏ lại, tai vểnh lên, lớp phấn nâu xám ngoài quả rạn nứt và bong ra, vỏ quả chuyển sang màu xanh vàng và nhẵn, khi hái mủ ở cuống quả chảy ra ít hoặc không có. Bổ đôi quả thấy thịt quả đã chuyển màu nâu vàng là có thể thu hoạch.