Kỹ thuật trồng Ngô lai

Kỹ thuật trồng Ngô lai, bắp lai được trồng phổ biến nhất, chiếm 70% diện tích trồng bắp của cả nước với diện tích hơn 1 triệu ha. Nhiều tỉnh phát triển trồng Ngô bắp lai để tăng nguồn thức ăn cho gia súc và thủy sản. Bắp ngô lai thích hợp trồng cả 3 vụ trong năm, không đòi hỏi kỹ thuật nhiều so với một số cây trồng khác, thời gian sinh trưởng ngắn. Trồng với kỹ thuật canh tác và bón phân tốt có thể lãi cao gấp đôi so với trồng lúa. Cơ cấu 2 vụ lúa 1 vụ màu, cây bắp lai thay thế lúa xuân hè hoặc hè thu rất hiệu quả, giúp không ít nông dân thoát nghèo.

Sau đây chúng tôi xin chia sẻ kinh nghiệp kỹ thuật trồng giống ngô lai như sau.
1. Chọn đất trồng Ngô lai:

Kỹ thuật trồng Ngô laiCây ngô lai có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như đất có thành phần cơ giới nhẹ, đất phù sa được bồi đắp hàng năm, đất đỏ, đất bạc màu,… Nhưng thích hợp nhất là đất phù sa được bồi đắp hàng năm, kế đến là đất đỏ. Vì những loại đất này tơi xốp, nhiều chất dinh dưỡng, lớp đất mặt sâu và có độ ẩm thích hợp. Không nên trồng bắp lai trên vùng đất nhiễm phèn nặng, vùng quá khô hạn hay vùng bị ngập úng.

2. Thời vụ và các mô hình trồng ngô bắp lai:

Cây bắp lai có thể trồng được quanh năm, trong mùa khô và mùa mưa.Tùy thời gian sinh trưởng và khả năng chống chịu của giống cũng như cơ cấu cây trồng khác mà bố trí hợp lý cho từng vùng. Chú ý khi gieo hạt cần tránh cho bắp trổ cờ phun râu lúc thời tiết nóng để bắp đậu hạt tốt và cần lưu ý những vấn đề sau:

– Phải có đủ nước tưới trong mùa khô.
– Không bị ngập úng trong mùa mưa.

Nhìn chung các mô hình đã trồng được bắp nù, bắp vàng địa phương trước đây đều có thể trồng được bắp lai (như luân canh, xen canh với lúa mùa nổi, xen canh với đậu nành, đậu xanh, củ sắn trên đất chuyên màu,…) Ngoài ra cây bắp lai còn có thể trồng được trên nền đất ruộng (nhất là ruộng gò) theo từng khu vực liền nhau. Không nên trồng bắp lai trên vùng đất bị nhiễm phèn nặng, vùng quá khô hạn hay ngập úng.

3. Làm đất trồng ngô lai:

Do hệ thống rễ của bắp lai mọc nhiều và ăn sâu, thường có nhiều rễ chân nom nên đất cần được cày sâu từ 15-20 cm, bừa xới lại cho cục đất có kích cở 4-5 cm là vừa. Thông thường đối với đất trồng bắp nên cày bừa 2 lần để cho đất tơi, thoáng, xốp.

Nếu trồng bắp trong vụ mùa mưa cần phải xẻ rãnh thoát nước hoặc lên liếp cao để chống úng.

* Chú ý: Nên làm bầu để trồng giậm vào những chỗ bị hư sau này.

Kỹ thuật trồng Ngô lai

4. Mật độ trồng ngô lai:

Trước đây, bắp lai được khuyến cáo trồng mật độ 50.000 cây/ha với khoảng cách 80cm x 25cm. Tuy nhiên, do bắp lai có khả năng tăng năng suất khi tăng mật độ lên 60 – 70 ngàn cây/ha nên khoảng cách trồng có thể từ 60 – 75cm x 25cm.

Gieo hạt nảy mầm cần ngâm hạt 12 – 18 giờ, ủ 10 – 12 giờ nữa cho nảy mầm rồi mới đem gieo. Khi gieo xong cần phủ một lớp tro trấu trộn ít phân và phủ rơm rạ hoặc phủ bạt nylon lên trên. Chú ý tưới giữ ẩm liên tục cho đến khi mọc thành cây để hạn chế bị mất cây do độ ẩm đất ít hơn độ ẩm trong hạt. Gieo 1 hạt/hốc nếu giống nảy mầm tốt.

5. Cách bón phân cho ngô lai:
Bắp lai là cây trồng phàm ăn nên cần lượng phân lớn nhưng cần căn cứ vào hiệu quả kinh tế mà bón phân. Qua thí nghiệm cho thấy bón lượng phân đạm cao đến 400kg N/ha thì làm cho bắp đổ ngã và thất thu. Kết hợp các thí nghiệm khác về phân lân và kali, các chuyên gia khuyến cáo lượng phân bón cho bắp lai là 150 – 180kg N + 70 – 100kg P2O5 + (30 – 90kg K2O)/ha. Tương đương 300 – 400kg urea + 400 – 600kg super lân + 50 – 150kg KCl. Tuy nhiên để đạt năng suất cao, mức phân bón có thể tăng hơn một chút.

Chia làm 4 lần bón. Bón lót toàn bộ lượng lân ngay sau khi gieo hạt. Bón thúc lần 1 với 25% lượng đạm + 50% lượng kali vào lúc 12 – 15 ngày sau gieo (NSG). Thúc lần 2 với 50% đạm + 50% kali còn lại vào giai đoạn 30 – 35 NSG. Thúc lần 3 với 25% đạm vào giai đoạn 50 ngày NSG. Phân lân rải đều khắp ruộng, đạm và kali rải theo hàng kết hợp lúc vun gốc và tưới nước để tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Nếu có thể nên cuốc chôn phân sát theo hàng bắp. Nếu sử dụng phân hổn hợp cần tính toán đủ số lượng phân nguyên chất từng loại để bón.

6. Thu hoạch ngô:

Xác định thời điểm thu hoạch bắp bằng việc quan sát hạt bắp ở đầu trái và cuối trái. Khi lá bao trái đã khô, hạt cứng, lãy thử hạt,nếu ở chân các hạt này có lớp màu đen là bắp đủ chín sẵn sàng để thu hoạch. Nên chặt đọt phơi trái ngoài đồng 5-7 ngày trước khi thu hoạch. Sau đó lột vỏ phơi trái vài nắng (ẩm độ còn khoảng 20-24%) để khi thu hoạch tách hạt giảm tỉ lệ nứt bể. Nếu để tồn trữ nên phơi hạt còn độ ẩm 14-15%. Thân lá cây bắp sau khi thu hoạch nên cày vùi tại ruộng nhằm giúp cải tạo đất và cung cấp dinh dưỡng cho vụ sau.

7. Bảo quản ngô

+ Bảo quản cả bắp: Cách này tốt hơn vì phôi hạt vẫn cắm vào lõi, không khí ẩm và sâu mọt khó xâm nhập vào phôi đồng thời có thuận lợi cho việc thông thoáng được dễ dàng, nhiệt độ và độ ẩm không bị tích tụ trong đống bắp.
Bảo quản cả bắp còn làm tăng phẩm chất vì chất dinh dưỡng vận chuyển vào hạt. Tuy vậy cũng có mặt không thuận lợi, vận chuyển cồng kềnh, tốn bao bì, dụng cụ chứa đựng. Khi sử dụng phải tách hạt nên giá thành cao. Kho bảo quản cả bắp thường là kho thoáng xung quanh có lót lưới sắt hoặc phên thưa, cách sàn mặt đất và cách tường 40 – 60 cm: kho có thể cao 3 m. Nếu kho kín thì xung quanh tường có lót phên nứa thưa cách mặt tường trên 20 cm, nếu kho lớn thì đặt ống thông hơi. Bắp phơi được chọn những bắp tốt, thu hoạch xong bóc hết lá, phơi thật khô để thoát hết nước trong lõi và tiêu diệt hết sâu mọt. Bà con dùng máy bóc bẹ cho bắp rồi buộc túm, treo lên gác cao thoáng để tránh bị ướt mốc.
+ Bảo quản hạt để rời: Sau khi bắp ngô đã được phơi khô Bà con dùng máy tách hạt ngô 3A để tách rời hạt ra khỏi cùi bắp rồi cho vào bao tải hoặc cót để vào nơi khô ráo tránh khỏi bị nấm mốc.
Theo kinh nghiệm của ngành lương thực thì bảo quản hạt khô là tốt nhất. Phương pháp này giữ được hàng năm không bị sâu mọt, nấm và vi sinh vật phá hoại. Trong điều kiện gia đình với số lượng ít có thể dùng cót quây thành vựa làm 2 lớp, lớp nọ cách lớp kia 20 cm ở giữa trải trấu khô, to cánh và sạch, đáy vựa cũng phải trải lớp trấu dày tới 20 cm rồi trải cót hoặc bao tải sạch đổ đầy hạt vào bảo quản.

THÔNG TIN LIÊN HỆ
Quý khách có nhu cầu cần được tư vấn, vui lòng liên hệ với chúng tôi.
Nông Nghiệp An Khang
0394.945.724
KCN Khai Sơn – Thuận Thành Bắc Ninh
vukhanhmun@gmail.com
Bán Xốp Bọc Ổi miền Bắc
Zalo:0394945724