Kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trị bệnh cây thanh long

I. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Thanh long

1. Làm đất

a) Chuẩn bị đất trồng

Vùng đất cao (như Bình Thuận, Vũng Tàu, Đồng Nai): Phần lớn ở các tỉnh này là đất xám bạc màu, đất cát pha hoặc đất núi, đất dốc dễ xói mòn, rửa trôi nên cần phải bón nhiều phân hữu cơ (phân chuồng hoai mục) để cải tạo đất. Chuẩn bị đất bao gồm cắm cọc, đào lỗ, xuống trụ. Sau khi chôn trụ xong, đào quanh trụ sâu 20 cm, rộng 1,5 cm; bón lót phân chuồng, phủ đất và đặt hom.

Vùng đất thấp, nhiễm phèn (như Tiền Giang, Long An…): Đất thấp cần phải lên liếp (mô) trước khi trồng; liếp trồng phải cách mặt ruộng khoảng 40 cm để đề phòng ngập nước trong mùa mưa.

Đất phải được cày bừa kỹ trong mùa nắng, phơi đất, trừ cỏ dại. Cày bừa, làm cỏ không kỹ sau này chi phí trừ cỏ sẽ rất cao, cỏ nguy hiểm trên đất phèn là cỏ tranh, cỏ ống, cỏ sâu róm,…

Kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trị bệnh cây thanh long

b)Trụ xi măng cốt sắt để trồng thanh long

Có thể dùng trụ gỗ, trụ gạch hoặc trụ xi măng cốt sắt để trồng thanh long. Hiện nay, trụ xi măng cốt sắt đang được khuyến cáo và sử dụng phổ biến trong sản xuất với kích thước: cạnh vuông từ 12 – 15 cm, cao 1,6 – 2,0 m, chôn sâu 0,4 – 0,5 m (tuỳ thuộc vào vùng đất), chiều cao từ mặt đất đến đỉnh trụ từ 1,2 – 1,5 m, phía trên có 2 – 4 thanh sắt đua ra ngoài 20 – 25 cm được bẻ cong theo 4 hướng dùng làm giá đỡ cho cành thang long sau này.

2. Thời vụ

Thường trồng vào khoảng tháng 10 – 11 dương lịch. Những nơi thiếu nguồn nước tưới như Bình Thuận, Vũng Tàu, An Giang nên trồng vào đầu mùa mưa (tháng 5 – 6 dương lịch) nhưng phải chú ý đến việc chuẩn bị hom giống từ trước do lúc này cây đang ra hoa và mang quả, không thể lấy hom trực tiếp được.

Kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trị bệnh cây thanh long

3. Chuẩn bị hom giống

Cần chọn những cành có tiêu chuẩn sau: Tuổi cành trung bình từ l – 2 năm tuổi trở lên, chiều dài hom tốt nhất là từ 50 – 70 cm; hom mập, có màu xanh đậm, không có khuyết tật, sạch sâu bệnh; các mắt mang chùm gai phải tốt, mẩy, khả năng nẩy chồi (mụt) tốt.

Sau khi chọn hom xong, hom được dựng nơi thoáng mát, trên nền đất khô ráo, trong vòng 10 – 15 ngày hom bắt đầu nhú rễ thì đem trồng.

4. Mật độ và khoảng cách

Thanh long là cây ưa sáng, cần nhiều ánh nắng, cần trồng ở mật độ thưa, từ 900 – 1.100 trụ/ha (cây cách cây 3,0 – 3,5 m; hàng cách hàng 3,0 – 3,5 m) đảm bảo cho việc đi lại, chăm sóc thuận tiện.

5. Cách trồng

Đặt 4 hom quanh 4 phía của trụ, cao hơn mặt đất 0,5 cm để tránh thối gốc. Áp phần phẳng của hom vào mặt phẳng của trụ để sau này hom ra rễ bám nhanh vào trụ. Dùng dây nilông hoặc dây vải buộc nhẹ hom vào trụ để tránh gió làm lung lay, sau đó tưới nhẹ và tủ rơm hoặc cỏ khô để giữ ẩm.
Cách đặt hom

6. Bón phân

a) Bón phân giai đoạn kiến thiết cơ bản

Giai đoạn kiến thiết cơ bản là giai đoạn từ khi trồng đến khi cây 2 năm tuổi.

Năm thứ 1:

Phân hữu cơ: Bón lót một ngày trước khi trồng và khoảng 6 tháng sau khi trồng, với liều lượng 10 -15 kg phân chuồng hoai mục + 0,5 kg supe lân hoặc lân Văn Điển/trụ. Có thể sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh thay thế cho phân chuồng, với liều lượng 1- 2 kg/trụ.

Phân hoá học: Bón định kỳ 1 tháng/lần, với liều lượng 50 – 80 gam urê + 100 – 150 gam NPK 20-20-15/trụ. Rải phân xung quanh gốc (cách gốc 20 – 40 cm), dùng rơm hay mụn dừa tủ lên và tưới nước ướt đẫm cho phân tan.

– Năm thứ 2:

Phân hữu cơ: Bón 2 lần (đầu và cuối mùa mưa), với liều lượng 15 – 20 kg phân chuồng hoai + 0,5 kg supe lân hoặc lân Văn Điển/trụ. Có thể sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh thay thế cho phân chuồng, với liều lượng 3 – 4 kg/trụ.

Phân hoá học: Bón định kỳ 1 tháng/lần, với liều lượng 80 – 100 gam urê+ 150 – 200 gam NPK 20 – 20 – 15/trụ.

Kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trị bệnh cây thanh long

b) Bón phân giai đoạn kinh doanh

– Phân hữu cơ: Bón 2 lần (đầu và cuối mùa mưa), với liều lượng 20 – 30 kg phân chuồng hoai + 0,5 kg supe lân hoặc lân Văn Điển/trụ. Có thể sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh thay thế cho phân chuồng, với liều lượng 3 – 5 kg/trụ.

– Phân hoá học:

Giai đoạn trước khi ra hoa: Tỷ lệ NPK thích hợp cho giai đoạn này là (1:2:2) hoặc (1:3:2).

Giai đoạn nuôi nụ và nuôi trái: Sử dung phân bón có tỷ lệ N và K cao hơn P với tỷ lệ (3:1:2), (2:1:2), (2:1:3), (1:1:1); thêm chất điều hoà sinh trưởng GA3, NAA lúc nhú nụ và khi kết thúc thụ phấn.

* Kỹ thuật bón phân

– Mùa thuận (chính vụ), chia làm 4 lần bón:

+ Lần 1: Sau khi kết thúc vụ nghịch (đợt thắp đèn cuối cùng), tùy tình trạng sức khoẻ của cây, có thể áp dụng một trong các tỷ lệ NPK (1:1:0,75) như NPK 20- 20- 15 + TE; tỷ lệ (2:2:1) như NPK 16 -16 – 8 + TE, với lượng dùng từ 400 – 500 g/trụ. Kết hợp phun phân bón lá có hàm lượng N cao như NPK 30 -10 -10 từ 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày.

+ Lần 2: Trước khi cây ra hoa, bón 400 – 500 gam/trụ phân NPK 20 – 20 -15 + TE hoặc 500 – 700 gam phân NPK 16 -16 – 8 + TE, có thể sử dụng thêm phân bón lá có hàm lượng P cao như NPK 10-60-10.

+ Lần 3: Khi cây đã có nụ hoa, bón 300 – 400 gam/trụ phân NPK 24 – 10 – 22 + TE hoặc 400 – 500 gam/trụ NPK 18 – 6 – 12 + TE hay NPK 15 – 15 – 15 + TE.

+ Lần 4: Bón cách lần thứ 3 khoảng 40 – 45 ngày, với lượng 300 – 400 gam/trụ NPK 24 – 10 – 22 + TE hoặc 400 – 500 gam/trụ NPK 18 – 6 – 12 + TE, kết hợp phun phân bón qua lá, Canxi, Bo.

– Mùa trái vụ (thắp đèn):

+ Lần 1: Trước khi thắp đèn 15 ngày, bón 400 – 500 gam phân NPK 8 – 16 – 16 + TE, có thể bổ sung phân bón qua lá như NPK 10 – 60 – 10 + TE hay NPK 6 – 30 – 30 + TE theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.

+ Lần 2: Khi cây đã bung nụ hoa, khoảng 3 – 5 ngày sau khi ngưng đèn, bón 400 – 500 gam/trụ phân NPK 18- 6 – 12 + TE hoặc 300 – 500 gam phân NPK 22 – 10 – 24 + TE, bổ sung thêm phân bón qua lá NPK 30 – 10 – 10, phun định kỳ 7 – 10 ngày/lần.

+ Lần 3: Bón cách lần 2 khoảng 40 – 45 ngày với lượng 300 – 400 gam/ trụ NPK 24 – 10 – 20 + TE hoặc 400 – 500 gam/trụ NPK 18 – 6 – 12 + TE, kết hợp phun phân bón qua lá, Canxi, Bo.

7. Chăm sóc cây Thanh long

a. Thiết kế hệ thống tưới nước

Việc chủ động tưới tiêu sẽ giúp cây thanh long sinh trưởng, phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuỳ theo điều kiện vườn, khả năng đầu tư mà có thể thiết kế một trong số các hệ thống tưới sau: Hệ thống tưới bằng máy bơm/mô-tơ; hệ thống tưới nhỏ giọt; hệ thống tưới phun sương.

b. Tưới nước

Mặc dù là cây chịu hạn nhưng trong điều kiện nắng hạn kéo dài mà không tưới nước, cây thanh long sẽ mất sức, sinh trưởng kém, giảm khả năng ra hoa, đậu quả và năng suất.

Trên các chân đất phèn như ở Long An và Tiền Giang, do mực nước ngầm cao, mùa mưa hầu như không cần tưới và mùa khô chỉ tưới với cường độ thấp, tùy theo ẩm độ và kết cấu của đất, 3 – 7 ngày tưới một lần. Hiện nay, vụ quả nghịch tạo ra từ việc thắp đèn thường rơi vào giai đoạn cuối mùa mưa, đầu mùa khô, cần phải chủ động nước tưới cho vườn để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Riêng ở Bình Thuận, giai đoạn tưới nước kéo dài từ tháng 11 đến tháng 5 dương lịch, nằm trong mùa khô nên việc lựa chọn địa điểm thiết lập vườn cần phải chú ý đến nguồn nước tưới.

c. Tủ gốc

Tủ gốc giúp cho cây giữ ẩm, hạn chế cỏ dại, bổ sung chất hữu cơ cho đất và góp phần khắc phục được hiện tượng thiếu nước tưới cho vùng trồng thanh long, nhất là ở những vùng có mùa khô hạn kéo dài. Sử dụng rơm, mụn dừa, cỏ khô, bèo lục bình để tủ quanh gốc hoặc phủ trên toàn mặt liếp.

Cũng có thể kết hợp tiến hành tủ gốc cho thanh long ngay sau khi bón phân hữu cơ để tránh được sự phân huỷ nhanh lượng mùn trong phân dưới ánh nắng trực tiếp.

Kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trị bệnh cây thanh long

d. Tỉa cành, tạo tán

Sau trồng 2 – 3 tuần, khi cây đã ra nhiều chồi, tiến hành tỉa bỏ những chồi yếu, nhỏ, nhánh nảy ngang (nhánh tai chuột), chỉ để lại 2 – 3 chồi có bẹ to, khoẻ, cho leo lên giàn trụ để tạo tán sau này.

– Uốn cành: Khi cành dài vượt khỏi đỉnh trụ khoảng 30 – 40 cm tiến hành uốn cành nằm xuống đỉnh trụ. Nên thực hiện vào lúc trưa nắng, khi đó cành mềm dễ uốn cong xuống, có thể dùng dây ni lông hoặc dây vải để buộc lại để tạo tán cây hình dù. Biện pháp này còn giúp cây mau ra chồi mới.

– Tỉa cành: Từ năm thứ 2 trở đi, tiến hành tỉa nhẹ, đồng thời tạo tán và định hình cho cây, loại bỏ các cành đã cho quả, nằm khuất bên trong, đến cuối năm thứ 3 mỗi trụ để lại khoảng 100 cành.

Có 3 cách tỉa cành cho thanh long giai đoạn kinh doanh là tỉa đau, tỉa lựa và tỉa sửa cành.

+ Tỉa đau: Thực hiện sau đợt thu hoạch quả (trái) hoặc ngay trước đợt thu cuối cùng (khoảng tháng 8 hoặc đầu tháng 9). Tỉa bỏ 2/3 số cành già, cành ốm yếu và sâu bệnh nằm khuất bên trong tán, chỉ giữ lại những cành tốt (khoảng 60% tổng số cành trước khi tỉa). Dùng liềm hoặc dao chặt 3/4 chiều dài cành cần tỉa bỏ (cách gốc cành 30 cm). Tiếp đó, khi các tượt non đã nảy ra từ phần gốc cành giữ lại, chọn để lại 1 – 2 chồi mới, khỏe, mọc cách xa nhau, các chồi còn lại tỉa bỏ.

Ưu điểm: dễ thực hiện, nhanh, ít tốn kém thời gian và công lao động. Nhược điểm: sau nhiều năm các gốc cành chừa lại sau tỉa sẽ chồng lên nhau và làm cho bụi thanh long bị đôn cao lên.

+ Tỉa lựa: Thường xuyên kiểm tra vườn, tỉa bỏ các cành yếu, cành bị sâu bệnh bằng dao hoặc liềm để tập trung dinh dưỡng nuôi cành tơ và quả.

Ưu điểm: Tạo được khung tán cân đối, thông thoáng trụ, không bị đôn cao. Nhược điểm: tốn nhiều công lao động.

+ Tỉa sửa cành: Tỉa bỏ những cành mới ra, cành mọc lòa xòa chiếm lối đi trên các cành mẹ (cành sừng trâu) đã ra quả, chỉ để lại 1 – 2 cành con cách xa nhau và phân bố đều trên 1 cành mẹ để tập trung dinh dưỡng nuôi quả.

Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cành nhánh có thể mọc lệch, tập trung về một bên, vì vậy thường xuyên sắp xếp lại cho đều về các hướng, đảm bảo thu nhận ánh sáng tốt trên toàn cây.

Thường xuyên kiểm tra sau các đợt thu quả, cắt ngắn các cành phát triển quá dài để không cho các trái ở đầu mút tiếp xúc với mặt đất (vết cắt cách mặt đất khoảng 40 cm).

e. Tỉa nụ, quả

Sau khi nhú 5 – 7 ngày, tiến hành tỉa bỏ các hoa dị dạng, bị sâu bệnh và tỉa bớt trên những cành có quá nhiều hoa, để lại những hoa phát triển tốt, mọc cách xa nhau.

5 – 7 ngày sau khi nở, tiến hành tỉa quả, mỗi cành chỉ để lại 1 – 2 quả phát triển tốt, không sâu bệnh. Nếu để quá nhiều quả trên cành, kích thước quả nhỏ, không đáp ứng yêu cầu của thị trường.

f. Làm cỏ

Trên đất phèn, đất thường xuyên ẩm có rất nhiều loại cỏ và rất khó trị như cỏ tranh, cỏ ống, cỏ chỉ… Vì vậy muốn bớt cỏ và giảm bớt công chăm sóc về sau, trước khi lên vườn nên áp dụng biện pháp phòng trừ cỏ tổng hợp, vào mùa nắng phải cày bừa và phơi đất kỹ trước khi lên liếp trồng.

Thời gian đầu sau khi trồng thanh long có thể trồng xen cây ngắn ngày vừa tăng thu nhập vừa trừ được cỏ dại. Ngoài ra, cũng có thể kết hợp thuốc trừ cỏ với làm cỏ thủ công.

8. Xử lý ra hoa trái vụ

Thanh long là cây ngày dài, chỉ ra hoa trong điều kiện số giờ chiếu sáng trên 12 giờ/ngày, tập trung từ tháng 5 đến tháng 9 dương lịch (vụ thuận hay chính vụ). Từ tháng 9 đến tháng 3 dương lịch năm sau, số giờ chiếu sáng trong ngày ngắn, muốn thanh long ra hoa kết quả (nghịch vụ hoặc trái vụ), phải sử dụng ánh sáng đèn để thắp sáng vào ban đêm, điều khiển thời gian có quả theo ý muốn.

Chỉ thực hiện việc thắp đèn ở vườn cây trên 2 năm tuổi và chỉ nên áp dụng tối đa 2 lần chong đèn/trụ/năm, với số giờ thắp đèn/đêm là 8 – 10 giờ.

– Thời gian thắp đèn: Trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau, có thể tiến hành thắp đèn vào 1 trong 3 giai đoạn như sau:

+ Giai đoạn 1: Sau khi kết thúc vụ chính. Việc thắp đèn ở giai đoạn này khá thuận lợi do nhiệt độ ban đêm vẫn còn ở mức khá cao (25 – 260C), số đêm thắp/đợt khoảng 12 – 15 đêm, khoảng cách mắc giữa hai bóng đèn là 3 m.

+ Giai đoạn 2: Khoảng tháng 11 đến tháng 1 dương lịch. Đây là giai đoạn nhiệt độ ban đêm thường thấp nên số đèn cần nhiều hơn, khoảng cách mắc giữa hai bóng ngắn hơn (1,5 – 1,8 m)

+ Giai đoạn 3: Khoảng tháng 2 dương lịch đến giáp với chính vụ, số đèn và khoảng cách giữa các bóng tương tự ở giai đoạn 1.

– Lựa chọn đèn: Sử dụng các loại đèn compact 20 – 23 W có ánh sáng vàng hay ánh sáng đỏ, có khả năng chống ẩm, vừa tiết kiệm được điện năng vừa nâng cao hiệu quả xử lý ra hoa.

– Cách treo bóng đèn và thời gian chiếu sáng: Chỉ xử lý tối đa 2 lần thắp đèn/ trụ/năm.

+ Chong ngã tư: Bóng được mắc ở khoảng giữa 2 hàng, khoảng cách giữa 2 bóng là 3 m, vị trí mắc bóng giữa 4 trụ, với chiều cao bóng so với mặt đất khoảng 1,1 – 1,2 m.

+ Chong ngã hai: Bóng được mắc ở khoảng giữa 2 hàng, khoảng cách mắc giữa 2 bóng là 3 m, vị trí mắc bóng giữa 2 trụ, với chiều cao bóng so với mặt đất khoảng 1,1 – 1,2 m.

+ Chong mé: Bóng được mắc ở khoảng giữa 2 hàng, bỏ 1 hàng và nhắc lại ở hàng kế tiếp. Vị trí mắc bóng và khoảng cách bóng đến mặt đất tương tự như 2 cách trên.

– Chăm sóc sau khi rút đèn:

+ Tưới nước: Nên tưới nước sau khi rút đèn khoảng 2 ngày, khoảng cách giữa 2 lần tưới gần hay xa tuỳ vào điều kiện khí hậu của từng vùng, trung bình khoảng 3- 4 ngày tưới 1 lần.

+ Vuốt tai: Thường được thực hiện trước khi thu hoạch 5 ngày bằng hợp chất GA3 20T (1 viên) + thiên nông (20 g) + miracle gro (20 g) + 200 ml nước.

II. Phòng trừ sâu bệnh cây Thanh long

A. Các bệnh thường gặp với cây Thanh long

1. Bệnh thối cành

Bệnh xuất hiện quanh năm, phát triển nặng trong điều kiện nóng ẩm và thường tấn công trên những cành đã trưởng thành. Đầu tiên là những vết sũng nước màu nâu, lây lan rất nhanh, làm thối cành mở đường cho vi khuẩn tấn công và có mùi hôi, sau đó phần mô này bị mất chỉ còn lại phần lõi gỗ ở giữa, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây. Bệnh nặng làm cho cả trụ thanh long bị chết.

2. Bệnh thối đầu cành

Nấm gây hại trên đầu các cành non. Đầu tiên phần đầu cành chuyển sang màu vàng, vết bệnh mềm, thối và sũng nước. Bệnh nặng làm cho cây bị chết ngọn và cành không thể phát triển được.

3. Bệnh đốm nâu thân cành

Do nấm. Vết bệnh ban đầu là một chấm nhỏ màu nâu có viền màu nâu đậm hơn, sau đó lớn dần tạo thành những đốm gần tròn như mắt cua. Vết bệnh này có thể lớn rộng và lan dài dọc thân. Gặp điều kiện ẩm độ cao, buổi sáng có sương mù nhiều bệnh phát triển rất nhanh.

4. Bệnh nám cành

Nắng nóng làm bỏng mô cây tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển. Vết bệnh đầu tiên là vết cháy nắng sau đó tại chỗ cháy nắng có một màng mỏng màu xám tro, nhám do nấm lớp mốc phát triển.

5. Bệnh thán thư

Do nấm. Trên cành vết bệnh bắt đầu từ mép cành lan dần vào bên trong. Vết bệnh dạng gần tròn hay bất định, tâm có màu nâu đỏ đặc trưng bởi những vòng đồng tâm màu nâu sậm. Trên trái vết bệnh là những đốm tròn hoặc gần tròn, có tâm màu nâu đỏ, lõm xuống, xung quanh có những vòng đồng tâm màu nâu sậm. Bệnh nặng có thể gây thối khô trái.

B. Những loại sâu thường gặp với cây Thanh long

1. Kiến lửa

Kiến có màu nâu đỏ, ấu trùng không gây hại. Thành trùng cắn, đục phá các cành non, cành già và làm hư hom giống. Tấn công trên trái và tai lá làm giảm giá trị thương phẩm. Vườn cây lâu năm kiến lửa đục phá cả phần gốc ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.

2. Kiến riện

Thành trùng màu nâu đen, loài này thường sinh sản và trú ẩn ở các cành khô và vỏ thân của các cây trụ. Kiến riện đục phá nụ hoa, trái non và trái chín làm giảm giá trị thương phẩm.

3. Ngâu (bọ cánh cứng)

Thành trùng là loài bọ cánh cứng màu nâu đen, rất bóng, trên cánh có những mảng màu trắng rất đặc trưng. Thành trùng gây hại bằng cách đục phá cành non, cành già và cả nụ hoa làm ảnh huởng đến tỷ lệ đậu trái.

4. Rệp sáp

Rệp chích hút nhựa ở tất cả các bộ phận của cây: cành non, nụ hoa, trái, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và tỷ lệ đậu trái. Chất thải của rệp tạo điền kiện cho nấm bồ hóng phát triển. Rệp tấn công dưới rễ làm cho cây bị vàng, còi cọc, trái nhỏ, giảm năng suất.

5. Bọ trĩ

Bọ trĩ thường tấn công trên hoa và trái non. Gây hại bằng cách chích hút nhựa cây làm ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu trái và giảm giá trị thương phẩm.

6. Rầy mềm

Rầy mềm có nhiều loại gây hại trên hoa và trái chích hút nhựa làm hoa bị rụng. Trên trái để lại những vết chích nhỏ, khi chín bị mất màu đỏ tự nhiên, giảm giá trị thương phẩm. Khí hậu khô nóng làm gia tăng mật số gây hại của rầy mềm.

7. Ruồi đục trái

Gồm nhiều loài, gây hại chủ yếu trên hoa và trái, đặc biệt trên trái sắp thu hoạch. Mật số cao làm trái bị rụng, ảnh hưởng đến năng suất

8. Tuyến trùng

Tuyến trùng chích hút hoặc chui vào trong rễ làm cho rễ cây phình ra tạo thành các khối u (bướu rễ), làm cho cây chậm phát triển, còi cọc. Những vết chích tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập vào trong cây.

9. Ốc sên, ốc bươu

Tập trung nhiều ở phần gốc cây, cạp vỏ cây, leo lên thân và cạp thân, trái làm giảm năng suất, giá trị thương phẩm.

C. Cách phòng trị bệnh

Theo các nhà khoa học và theo kinh nghiệm của các nhà vườn thì phòng bệnh vẫn là biện pháp quan trọng hàng đầu.

1.Phòng sâu bệnh

Trước hết cần tuân thủ trồng thanh long theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Đào mương lên luống để trồng. Tùy theo độ cao của đất mà thiết kế mô để cây phát triển tốt, kích thước mô 80 x 30 cm, khoảng cách trồng 3 x 3 m (khoảng 1.000 trụ/10.000 m2). Trồng cây xung quanh chắn gió nhằm hạn chế mầm bệnh lan vào. Nên dùng trụ bê tông xi măng cao 2 – 2,5 m, ngang 12 – 15 cm, chôn sâu 0,5 m phía trên có que sắt để đỡ cành. Nên hạn chế dùng các loại phân vô cơ nhất là lạm dụng nhiều để kích cho hoa trái…Bón nhiều phân hữu cơ vi sinh và các loại vi lượng phù hợp, cung cấp thêm vôi trước và sau mùa mưa. Tủ gốc giữ ẩm cho cây bằng rơm rạ, cỏ khô, tủ cách gốc 5 – 10 cm, hoặc trồng cây lạc dại vào gốc thanh long để giữ độ ẩm mà không cần phủ bằng rơm.

2.Trị sâu bệnh

Khi phát hiện sâu bệnh phải nhanh chóng chữa trị, nên phun thuốc trừ nấm, trừ sâu có bán trên thị trường, lựa chọn các chủng loại phù hợp… Nên phun thuộc phòng sâu bệnh sau khi thu hoạch trái và sau khi cắt tỉa để làm giảm áp lực mầm bệnh, phun lần thứ 2 khi cây ra nụ hoa. Dùng thuốc phun vào gốc khi vừa đậu trái. Sau khi thu hoạch, ngâm trái vào nước nóng 40oC trong thời gian 10 phút không làm tổn thương trái và giảm thiểu đáng kể mầm bệnh sau thu hoạch. Trái nào có bệnh nên loại bỏ, không để chung với các trái khác để tránh sự lây lan.

3.Công nghệ tiên tiến giúp phòng trừ sâu bệnh cho cây Thanh Long

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là làn sóng về cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra, người dân trồng thanh long có nhiều lựa chọn hơn để phòng trừ sâu bệnh cho cây thanh long một cách hiệu quả, tiếp kiệm chi phí, thời gian, đỡ độc hại hơn.

Nên áp dụng giải pháp sử dụng các máy bay điều khiển từ xa – hay còn gọi là Drone, để thực hiện việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây thanh long. Sử dụng các máy bay để phun thuốc tự động, vừa tiết kiệm thuốc, tiết kiệm thời gian, đỡ độc hại và trên hết là đem lại hiệu quả kinh tế cao.

THÔNG TIN LIÊN HỆ
Quý khách có nhu cầu cần được tư vấn, vui lòng liên hệ với chúng tôi.

Nông Nghiệp An Khang

0394.945.724

KCN Khai Sơn – Thuận Thành Bắc Ninh

vukhanhmun@gmail.com

Bán Xốp Bọc Ổi miền Bắc

Zalo:0394945724